03/06/2021
Doanh nghiệp làm gì khi bị “bêu xấu” trên mạng xã hội?
Nhiều phát ngôn trên mạng xã hội gây ra những tác hại khôn lường từ tổn thất vật chất, tổn thương tinh thần, cho đến tổn hại cuộc sống cá nhân, hoạt động doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, DN là đối tượng bị công kích nhiều nhất bởi DN tồn tại dựa trên uy tín thương hiệu, phải mất rất nhiều thời gian công sức tiền bạc để xây dựng.
Vừa qua, một DN đã tố cáo một số đối tượng từ nước ngoài và dùng mạng xã hội nước ngoài để bôi nhọ, hạ uy tín DN mình. DN này đã gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT).
Tương tự, một DN vừa đưa đơn kiện đến công an vì một khách hàng than phiền chất lượng sản phẩm của mình trên YouTube. Tuy nhiên, dư luận lại đứng về phía người khách hàng này vì cho rằng khách hàng có quyền nói về chất lượng sản phẩm dù là trên mạng xã hội hay ở những văn bản khiếu kiện trên giấy.
Theo Tiến sĩ Luật Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập của Hệ thống Luật Thịnh Trí: “Trước bối cảnh thông tin bị khai thác vô tội vạ trên mạng, nhiều DN đã tự trang bị cho mình công cụ lắng nghe xã hội. Khi không may vướng phải tình cảnh này, DN có thể thu thập chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng. Chứng cứ có thể là văn bản lập vi bằng hoặc, người khác làm chứng hoặc một số chứng cứ khác mà DN bị bêu xấu có thể thu được. Sau đó, dùng những chứng cứ này gửi đến các cơ quan chức năng như Sở TTTT, Cục Sở hữu Trí tuệ, tòa án hoặc công an tùy theo mức độ vi phạm.
Với cách làm này, mới đây vào ngày 4/5/2021 Bệnh viện FV đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM xử thắng kiện đối với vụ án kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội và kêu gọi người đọc chia sẻ lan truyền thông tin, gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông làm tổn hại đến uy tín của Bệnh viện FV và đội ngũ y bác sĩ. Cụ thể, tòa buộc bà Nguyễn Thị Mộng Châu xóa bỏ toàn bộ các bài viết không đúng sự thật đăng bằng tiếng Việt và tiếng Anh sau đó trên trang cá nhân Facebook của bà Châu; buộc bà Nguyễn Thị Mộng Châu phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV bằng cách đăng lên 3 tờ báo: Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ và Báo Phụ Nữ, đồng thời bồi thường 13.900.000 đồng cho tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện FV bị xâm phạm.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh thanh tra Sở TTTT TP.HCM: “Qua kinh nghiệm xử lý nhiều vụ việc cho thấy nhiều trường hợp DN mất bình tĩnh đã đẩy vụ việc đi quá xa không cần thiết. Một số khách hàng sử dụng mạng xã hội để than phiền về sản phẩm dịch vụ thì DN dán ngay mác bôi nhọ uy tín để kiếm chác. Vì vậy, ở một số trường hợp DN và bên đăng tải nên ngồi lại bàn bạc với người bêu xấu để giải quyết vấn đề hơn là đi thưa kiện.
Nguồn: Doanhnhansaigon.vn
Doanhnhansaigon.vn