Ngay sau ngày đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM lại tiếp tục gặp khó khăn. Doanh nghiệp cho biết họ phải thay đổi lịch làm việc, lịch sản xuất, bán hàng, quản lý nhân viên, tiếp vận hàng ra thị trường...Và, nỗi lo lớn hơn cả là doanh số chắc chắn sẽ sụt giảm.
Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn sáng 1/6, đại diện công ty Cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food), một trong những doanh nghiệp cung cấp thực phẩm hàng đầu ở TP.HCM, cho biết ngay trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội (31/5), doanh nghiệp đã phải thực hiện hàng loạt thay đổi. Bà Tôn Nữ Nguyên Ánh - Trưởng bộ phận Truyền Thông Saigon Food, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Saigon Food thông tin công ty phải điều chuyển người, sắp xếp lại vị trí làm việc để bảo đảm hoạt động được thông suốt.
Cụ thể, theo bà Ánh, công ty có 5 nhà máy sản xuất thực phẩm với số nhân viên trên 2.500 người, tất cả đã được yêu cầu ở yên tại chỗ (người thuộc nhà máy nào thì ở nhà máy đó). Đối với hơn 100 nhân viên sales, chuyên hoạt động ngoài thị trường thì được yêu cầu không quay về công ty mà phải về các trung tâm phân phối rải rác ở quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Bình.
“Việc này nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn cho nhân viên công ty, nhưng cũng khiến công ty gặp khó trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự”, bà Ánh thừa nhận.
Cũng trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, Saigon Food yêu cầu một số nhân viên là F3 cư trú trên địa bàn quận Gò Vấp phải thực hiện cách ly tại nhà, đồng thời tiếp tục kích hoạt trạng thái kiểm soát chống dịch nghiêm ngặt như yêu cầu nhân viên phải đeo khẩu trang 100% trong suốt thời gian làm việc, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay, duy trì khoảng cách làm việc trên 1 mét, hạn chế di chuyển giữa các khu vực nhà máy, nhân viên ăn trưa ngồi tại các vị trí đã bố trí vách ngăn và giữ khoảng cách...
|
Nhà máy chia ca, giãn cách trong các quy trình sản xuất đến nhà ăn tập thể
|
Một doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn khác là Bidrico cũng xáo trộn trong ngày đầu thực hiện giãn cách. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc công ty Bidrico cho hay công ty này có một số nhân sự trên địa bàn Gò Vấp không thể đến nhà máy vào ngày 31/5. Họ bị chặn lại ở các điểm chốt chặn. Do đó, ngay trong ngày thì Bidrico đã cấp giấy xác nhận làm việc, ghi rõ nơi tạm trú, nơi làm việc của nhân viên để họ xuất trình với cơ quan chức năng khi di chuyển.
“Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất ngành hàng thiết yếu nên những giấy xác nhận đó như là phiếu thông hành cho công nhân đến nhà máy”, ông Hiến nói.
|
Cài đặt Bluezone là quy định bắt buộc với tất cả người lao động Bidrico
|
Ông Nguyễn Đặng Hiến cũng cho biết việc tuân thủ quy tắc phòng dịch đã được Bidrico áp dụng hơn năm qua, bây giờ càng phải làm chặt hơn vì nhà máy có hàng ngàn con người, nếu để xảy ra một trường hợp liên quan đến ca lây nhiễm sẽ phải dừng hoạt động cả hệ thống.
“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc điều chuyển nhân sự trong ngày đầu Thành phố thực hiện giãn cách. Đến sáng nay thì tình hình sản xuất đã trở lại bình thường”, ông Hiến thông tin thêm.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cũng cho hay trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội họ không thực hiện được đơn hàng nào vào khu vực quận Gò Vấp hay một số phường ở quận 12. Ông Nguyễn Trọng Hoàng – Phó giám đốc công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh, cho biết không gặp khó khăn về nhân sự do công nhân đều cư trú quanh khu vực nhà máy ở Nhà Bè. Tuy nhiên, trong ngày đầu Thành phố thực hiện giãn cách, việc chuyển hàng cho khu vực Gò Vấp và phường Thanh Lộc, quận 12 rất khó khăn.
“Ngày hôm qua chúng tôi không thực hiện được một đơn hàng nào cho các khách hàng ở Gò Vấp. Trong khi ở phường Thạnh Lộc do đối tác cần hàng gấp nên Phúc Thịnh đã xoay xở đưa hàng từ xe tải sang xe máy để vận chuyển làm nhiều chuyến và phải tốn thêm chi phí”.
Cùng với những thay đổi trong vận chuyển, Phúc Thịnh tuân thủ thực hiện giãn cách nhân viên ngay tại nhà máy bằng việc chia sản xuất thành ba ca để đảm bảo không tập trung đông công nhân.
“Bình thường vận hành 15 máy thì hiện mỗi ca chỉ vận hành 5 máy. Nhân sự hành chính ở khu vực Gò Vấp, Thủ Đức đã sắp xếp làm việc tại nhà. Sự thay đổi này đang làm đội chi phí vận hành lên đáng kể nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận để giữ sản xuất, giữ người lao động và khách hàng”, ông Hoàng chia sẻ.
|
Quán ăn, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp...đóng cửa khiến doanh số của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh
|
Giãn cách xã hội đồng nghĩa với kênh bán hàng vào phân khúc nhà hàng, khách sạn, quán ăn, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ giảm đáng kể, thậm chí tạm thời mất nhóm khách hàng này. Đối với những doanh nghiệp cung ứng hàng thực phẩm, như Vĩnh Thành Đạt, APT, Ba Huân..., đây thực sự là khó khăn rất lớn. Có doanh nghiệp khẳng định họ sẽ mất tới 50% doanh thu trong 2 tuần giãn cách.
Ông Nguyễn Hoàng Văn, CEO Cua Ngon Hương Vị Đất Mũi cho biết doanh nghiệp có 5 nhân sự tại Gò Vấp và Tân Phú đã gửi đơn xin nghỉ 14 ngày do địa phương thông báo không đi làm để đảm bảo phòng dịch. “Đây là tình huống bất ngờ vì sáng hôm qua nhân viên của tôi không thể đi qua các chốt ra khỏi Gò Vấp mới báo về công ty. Chúng tôi đã điều nhân sự từ các điểm bán ở Bình Dương, Đồng Nai chi viện cho TP.HCM", ông Văn nói.
Tuy nhiên, việc điều chuyển nhân sự chưa phải là khó khăn của Cua Ngon lúc này mà thực tế đơn hàng trong điều kiện giãn cách đã giảm rất nhiều so với trước đây.
“Kênh tiêu thụ chủ yếu của chúng tôi là nhà hàng, quán ăn, khách sạn, nay tất cả đều đã đóng cửa. Chúng tôi chỉ còn bán được cho phân khúc gia đình, nhưng kênh này cũng khá ít vì cầu tiêu dùng đã giảm và bản thân khách hàng cũng đề phòng khi tiếp xúc với các bên vận chuyển giao hàng trong tình hình hiện nay”, ông Văn tâm sự.