image banner
Giải mã sức hút dòng vốn FDI liên tục đổ về Hà Nam
Với những lợi thế sẵn có về quỹ đất sạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, năm 2023, tỉnh Hà Nam đã trở thành vùng đất mới giàu tiềm năng công nghiệp, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao.
Giải mã sức hút dòng vốn FDI liên tục đổ về Hà Nam
Năm 2023, Hà Nam là một trong những tỉnh thành thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Ảnh: UBND tỉnh Hà Nam

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam ngày 2.1, đến cuối tháng 12.2023, trên địa bàn tỉnh có 370 dự án FDI đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 150 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,7 tỉ USD, có khoảng 110 doanh nghiệp Nhật Bản với số vốn đăng ký đầu tư 2 tỉ USD...

Đáng chú ý, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2023 đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459,128 triệu USD và 1.932,096 tỉ đồng.

Một trong những lợi thế để Hà Nam thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài là hệ thống các khu công nghiệp hoàn thiện sẵn có và đang tiếp tục được mở rộng.

Cùng với 8 khu công nghiệp đã được thành lập, 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030 với diện tích 940ha, Hà Nam dự kiến thành lập các khu công nghiệp mới với tổng diện tích là 3.200ha.

a
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 tại Việt Nam theo đối tác. Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đề cập đến nội dung này, ông Trần Xuân Dưỡng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - thông tin, theo đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 16/TTg-CN ngày 3.2.2023, Hà Nam có thêm 4 khu công nghiệp mới, với tổng diện tích 940 ha.

Bên cạnh đó, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư như khuyến khích, thu hút, thúc đẩy đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển chung của tỉnh.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, kết hợp hài hòa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển công nghiệp xanh và bền vững.

Trên cơ sở quan điểm và mục tiêu đã đề ra, tỉnh Hà Nam đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, đến nay có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỉ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.

Nhật Bản là đất nước đứng thứ 2 với gần 6,57 tỉ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỉ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Theo báo Lao Động https://laodong.vn

ttbc-hcm.gov.vn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 139
  • Trong tuần: 902
  • Tất cả: 22171