image banner
Hà Nam hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Ngày 6/10, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Chương trình Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Các đại biểu dự Chương trình hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023. 

Về Chính quyền số, hiện nay 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã trong tỉnh đã xây dựng mạng cục bộ kết nối các phòng ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp huyện trở lên đạt 100%; cấp xã đạt 85%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp chính quyền gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng. Tỉnh Hà Nam đã triển khai hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng; hệ thống phòng họp không giấy tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố...Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam đã được đưa vào sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh; đã được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến Quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp tổng số 1.744 bộ thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 87,5%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,7%.

Về Xã hội số, mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh Hà Nam khá hoàn thiện và đồng bộ, đảm bảo phủ sóng 100% tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh giúp cải thiện cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Toàn tỉnh có trên 900 trạm thu phát sóng di động, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 95% thôn, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, gần 80% hộ gia đình có sử dụng dịch vụ băng thông rộng cố định. Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 06/06 huyện, thị xã, thành phố, 109/109 xã, phường, thị trấn, với 795 tổ và gần 4.000 thành viên (đạt tỷ lệ 100%); Toàn tỉnh đã đã cấp 740.920 thẻ căn cước công dâ gắn chip, tỷ lệ kích hoạt tài khoản đạt 87,76% so với số công dân đủ 14 tuổi. Số lượng thẻ bảo hiểm y tế đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là: 753.808 người. Số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ đối sánh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 98,5%.

Các đại biểu khai trương đưa vào vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) và Hệ thống quản lý hoạt động khoáng sản và cơ sở dữ liệu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Về Kinh tế số, tỉnh Hà Nam có trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, khoảng gần 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số. Toàn tỉnh có 99,71% số doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử, 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Hà Nam đã triển khai 03 sàn thương mại điện tử, trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn.

Năm 2022, Hà Nam xếp thứ 13 toàn quốc về cấp căn cước công dân, đứng thứ nhất về thực hiện chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử; đã hoàn thành 15/43 mô hình của Đề án 06.

 Đồng chí Trương Quốc Bảo, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý chia sẻ tại chương trình.

Tại chương trình, đồng chí Trương Quốc Bảo, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, đại diện đơn vị làm tốt nhất tỉnh Hà Nam về công tác chuyển đổi số hiện nay có chia sẻ: Chuyển đổi số có vai trò quan trọng đặc biệt đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biến mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan. Đến nay, trên địa bàn TP. Phủ Lý đã có 21 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 105 thành viên; 143 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với hơn 1.000 thành viên, qua đó giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai chính quyền số, trong đó đáng chú ý là cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu về cán bộ công chức, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; và hiện nay đang phối hợp với các ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên - Môi trường đang triển khai dữ liệu về đất đai; đây là một cơ sở dữ liệu, nền tảng rất quan trọng trong việc quản lý, điều hành của của cơ quan quản lý nhà nước. Thành phố cũng đã triển khai, nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Đề án Đô thị tăng trưởng xanh thông minh bền vững thành phố Phủ Lý đến năm 2030 nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông có tính đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành đô thị...

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các cơ quan có liên quan trong việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh cần phải cập nhật, làm sạch dữ liệu để đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Nam khẳng định: Các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số 10/10 năm nay được tổ chức sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh với các cơ quan Trung ương, với các tỉnh, thành phố và với các đối tác, doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng Chính quyền số, đô thị thông minh, từng bước thực hiện chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại chương trình, đại diện các doanh nghiệp viễn thông đã giới thiệu các giải pháp công nghệ, ứng dụng hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực thông tin, giáo dục, du lịch, tích hợp dữ liệu... Đồng thời, UBND tỉnh đã chính thức khai trương, đưa vào vận hành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Hà Nam và Hệ thống quản lý hoạt động khoáng sản và cơ sở dữ liệu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam./.

 
theo Kim Chiến báo điện tử https://dangcongsan.vn
ttbc-hcm.gov.vn
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 111
  • Trong tuần: 874
  • Tất cả: 22143