image banner
Hà Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm, hàng hóa
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng và trên cả nước được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho các thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhờ đó, thị trường ngày càng được mở rộng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, lưu thông hàng hóa thông suốt, hoạt động thương mại ngày càng sôi động.

Đại diện Sở Công thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối, cơ sở sản xuất, kinh doanh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Giai đoạn 2021-2023, có khoảng 650 lượt các doanh nghiệp, cơ sở của Hà Nam tham gia khoảng 70 hội chợ, triển lãm thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại: quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương…

Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm hàng hóa hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; xây dựng mô hình liên kết và chuỗi thực phẩm an toàn.

Mang sản phẩm Mắm cáy từ tỉnh Hải Dương đến tham dự xúc tiến thương mại tại tỉnh Hà Nam, ông Phạm Tiến Dư, Giám đốc Hợp tác xã Kim Thành cho biết: Chúng tôi mong muốn được gặp gỡ, trao đổi, thống nhất các nội dung hợp tác, liên kết và sẽ có nhiều hợp đồng tiêu thụ, cam kết hợp tác sản xuất kinh doanh được ký kết, để đưa các sản phẩm của Hợp tác xã vào thị trường nhiều hơn.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hình ảnh, thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh Hà Nam hiện nay rất đa dạng về chủng loại, một số nhóm sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã tham gia vào chuỗi sản phẩm của các tập đoàn lớn như: linh kiện, phụ tùng ô-tô, xe máy; linh kiện, sản phẩm điện tử…

Về sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, hiện nay, tỉnh Hà Nam đã công nhận 176 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng có nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề này chủ yếu sản xuất các sản phẩm: thủ công mỹ nghệ, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ, hàng sản xuất tre, nứa dùng cho xây dựng, cơ khí… Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hà Nam cũng rất đa dạng, phong phú.

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nam cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương Hà Nam đã phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.

Sở Công thương Hà Nam cũng đã gửi công văn đến Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh; đồng thời xây dựng ấn phẩm về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp…

Cùng với đó, đơn vị cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử như: hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp, làm công cụ liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website riêng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam và các sàn thương mại điện tử lớn trong nước; triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 cho hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh; triển khai đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam”.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm lụa Nha Xá của tỉnh Hà Nam được trưng bày tại hội nghị xúc tiến đầu tư.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm lụa Nha Xá của tỉnh Hà Nam được trưng bày tại hội nghị xúc tiến đầu tư.

Với mục đích kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, là điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp Hà Nam cũng như các tỉnh, thành phố tìm kiếm đối tác, thị trường, mở rộng liên doanh liên kết.

Đây cũng là một trong các hoạt động triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị: lãnh đạo các đơn vị phân phối nghiên cứu khả năng sản xuất, cung cấp các sản phẩm của tỉnh, của các đơn vị sản xuất để liên kết tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh, từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để gia tăng giá trị nông sản thực phẩm; Các đơn vị sản xuất trong tỉnh nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất và cung ứng dịch vụ.

Lãnh đạo các cơ quan của Bộ Công thương, lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố tiếp tục giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.

Thời gian tới, Hà Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thành công giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, đưa sản phẩm có chất lượng cao tới người tiêu dùng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn có khả năng cung cấp, tiêu thụ trên thị trường quốc tế qua mạng lưới của các nhà phân phối.

Theo ĐÀO PHƯƠNG báo điện tử https://nhandan.vn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 53
  • Trong tuần: 930
  • Tất cả: 29866