Chiều ngày 28/11, Sở Công thương tỉnh Hà Nam phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Hà Nam năm 2023”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025”.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), lãnh đạo Sở Công thương một số tỉnh, thành phố; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh và đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh…
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng và trên cả nước được triển khai tích cực, thị trường ngày càng được mở rộng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, lưu thông hàng hoá thông suốt, hoạt động thương mại ngày càng sôi động.
Hạ tầng thương mại đang từng bước phát triển đa dạng, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 110 chợ, 11 siêu thị, trung tâm thương mại và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, nhiều doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng việt có quy mô và uy tín trên thị trường.
Giai đoạn 2021-2023, có khoảng 650 lượt các doanh nghiệp, cơ sở của Hà Nam tham gia khoảng 70 hội chợ, triển lãm thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại: quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương… Ngoài ra, Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; xây dựng mô hình liên kết và chuỗi thực phẩm an toàn…
Nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của Hà Nam và các địa phương, vùng miền đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại và hầu hết các sản phẩm đã có mặt trên thị trường tại các thành phố lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng, tín nhiệm, đặc biệt là các sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “ được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng”. Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, mạnh dạn và chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Hà Nam là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông qua đó, thúc đẩy gắn kết giao thương, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối; tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu cung ứng, phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hoà Bình, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Kạn…, góp phần đưa hàng Việt Nam và các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Hà Nam đến với người tiêu dùng cả nước và xuất khẩu.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Hà Nam năm 2023. Đồng thời, khẳng định đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp Hà Nam cũng như doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu thương hiệu, chất lượng sản phẩm để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Các đồng chí đề nghị lãnh đạo các đơn vị phân phối tập trung nghiên cứu khả năng cung cấp sản phẩm của các đơn vị sản xuất để liên kết tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh, từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để gia tăng giá trị nông sản. Các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Nam cần quan tâm nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất và cung ứng dịch vụ. Lãnh đạo sở Công thương các tỉnh, thành phố tiếp tục giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương...
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối hàng hóa đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành; giới thiệu về mô hình sản xuất, kinh doanh; tình hình cung ứng hàng hóa. Đồng thời, giới thiệu, làm rõ thông tin về các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp, đơn vị mình sản xuất, cung ứng. Các đại biểu cũng đã trực tiếp thăm quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hình ảnh, thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia hội nghị. Trong đó, nhiều sản phẩm của Hà Nam và các tỉnh, thành phố đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm OCOP.
Cũng tại chương trình, đại diện Sở Công thương các địa phương, doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác…
Theo báo điện tử https://hanamtv.vn/