image banner
Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022
Trong nửa cuối tháng 3, hoạt động xuất nhập khẩu có sự phục hồi ấn tượng, nhất là xuất khẩu giúp Việt Nam xuất siêu trở lại.
Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3/2022 đạt mức cao kỷ lục với trị giá là  67,37 tỷ USD, tăng 38,1% so với tháng trước.

Trong đó, trị giá xuất khẩu là 34,71 tỷ USD, tăng 48,2% và trị giá nhập khẩu là 32,66 tỷ USD, tăng 28,7%.

Tính trong quý 1/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% và trị giá nhập khẩu đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2%.

Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,05 tỷ USD. Tính trong quý 1/2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,46 tỷ USD.

Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022 - Ảnh 1.
 

Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa trong quý 1 của giai đoạn 2020-2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 46,89 tỷ USD, tăng 35,7% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý 1/2022 lên 123,05 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là 25,84 tỷ USD, tăng 47,8% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong quý 1/2022 của doanh nghiệp FDI lên 65,36 tỷ USD, tăng 10,6% so với quý 1/2021 và chiếm 73,4% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3/2022 đạt thặng dư 4,79 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong quý 1/2022 lên mức thặng dư 7,68 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2022 là 34,71 tỷ USD, tăng 48,2% so với tháng trước.

Quy mô hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong tháng 3 đã tăng tới 11,3 tỷ USD so với tháng trước, với mức tăng lớn từ nhóm hàng điện thoại các loại & linh kiện tăng 2,7 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,47 tỷ USD.

Ngoài ra, hàng dệt may tăng gần 1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 869 triệu USD; giày dép các loại tăng 664 triệu USD…

Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022 - Ảnh 2.
 

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn trong 3 tháng/2021 và 3 tháng/2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Tính trong quý 1/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 10,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hàng dệt may tăng 1,46 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,22 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 829 triệu USD; hàng thủy sản tăng 788 triệu USD… so với cùng kỳ năm 2021.

 

Nhập khẩu hàng hóa

Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3/2022 là 32,66 tỷ USD, tăng 28,7% về số tương đối và tăng 7,28 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng trước.

Trong đó, tăng mạnh ở các nhóm hàng như máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,45 tỷ USD, tương ứng tăng 22%; xăng dầu các loại tăng 725 triệu USD, tương ứng tăng 115%.

Máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác tăng 580 triệu USD, tương ứng tăng 19,3%; dầu thô tăng 523 triệu USD, tương ứng tăng 304%; hạt điều tăng 371 triệu USD, tương ứng tăng 275,3%...

Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022 - Ảnh 3.
 

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn trong 3 tháng/2021 và 3 tháng/2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong quý 1/2022 đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2%, tương ứng tăng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tăng mạnh nhất ở các nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 5,06 tỷ USD; xăng dầu các loại tăng 1,38 tỷ USD; than đá tăng 748 triệu USD; điện thoại các loại & linh kiện tăng 690 triệu USD; vải các loại tăng 615 triệu USD…

Đặc biệt, lượng ô tô nguyên chiếc đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu trong tháng 3/2022 đạt hơn 10,3 nghìn chiếc với trị giá là 234 triệu USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với tháng trước.

Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022 - Ảnh 4.
 

Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam từ Thái Lan, Inđônêxia và Trung Quốc trong quý 1 giai đoạn 2019-2021 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Tính trong quý 1/2022, cả nước nhập khẩu gần 24 nghìn chiếc với trị giá 572 triệu USD, giảm 31,9% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với quý 1/2021.

Trong quý 1/2022, ô tô nguyên chiếc các loại chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Cụ thể, nhập từ Thái Lan là 12,2 nghìn chiếc, giảm 36,7%; từ Indonesia là 6,76 nghìn chiếc, giảm 24,4% và từ Trung Quốc là 2,21 nghìn chiếc, giảm 43,8%... so với quý 1/2021.

Với nhóm xăng dầu các loại, trong tháng 3/2022, lượng nhập khẩu xăng dầu là 1,31 triệu tấn với trị giá là 1,36 tỷ USD, tăng mạnh 75% về lượng và tăng mạnh 114,8% về trị giá so với tháng trước. Tính trong quý 1/2022, cả nước nhập khẩu 2,66 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng mạnh 128,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý 1/2022, xăng dầu nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ: Hàn Quốc với 1,06 triệu tấn, tăng mạnh 107%; Malaysia với 562 nghìn tấn, giảm 29,8%; Singapore với 353 nghìn tấn, tăng 3,5%... so với quý 1/2021.

Anh Tuấn (cafebiz.vn)
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 159
  • Trong tuần: 922
  • Tất cả: 22191