Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi giá cước vận chuyển đi Âu - Mỹ tăng mạnh
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ vài tuần qua đã làm gián đoạn hoạt động chuyển tàu qua Kênh đào Suez, huyết mạch trung tâm của thương mại toàn cầu, tạo ra mối đe dọa mạnh mẽ đối với các nhà xuất khẩu đang tìm kiếm các hợp đồng thương mại từ châu Á đi các nước phương Tây.
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ vài tuần qua đã làm gián đoạn hoạt động chuyển tàu qua Kênh đào Suez.
Kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, quân đội Houthi có trụ sở tại Yemen đã tấn công một số tàu thương mại ở phía Nam Biển Đỏ. Cuộc tấn công đang làm gián đoạn toàn cầu thương mại và làm các công ty vận tải biển phải tạm dừng hoặc đi vòng qua Biển Đỏ.
Các tàu đi từ Viễn Đông đến châu Âu phải đi đường vòng quanh toàn bộ lục địa châu Phi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Cuộc hành trình sẽ kéo dài hơn một tuần và dài thêm khoảng 3.500 hải lý (6.482 km).
Các nhà phân tích trong ngành cho biết, quyết định này đã tác động lớn đến chi phí vận chuyển hàng hóa. Có vẻ như nó đang trở thành một cuộc khủng hoảng kéo dài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí của các doanh nghiệp vận tải biển và làm tăng giá người tiêu dùng phải trả cho hàng nhập khẩu.
Căng thẳng Biển Đỏ càng gây thêm trở ngại khi tuyến đường thương mại quan trọng khác, Kênh đào Panama, đang bị hạn hán, càng khiến giá cước vận chuyển toàn cầu tăng thêm.
Trong tuần qua, Chỉ số vận chuyển container Thượng Hải (SCFI), chỉ số được sử dụng rộng rãi nhất về giá cước vận tải đường biển đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trên toàn thế giới, đang trên đà tăng nhanh, đạt 1.896,65 vào Thứ Sáu tuần trước, gần với thời điểm cao nhất kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2022.
Các hãng vận tải biển đồng loạt tăng giá
Theo các nhà phân tích trong ngành, các công ty vận tải biển là một trong những người được hưởng lợi chính từ sự gián đoạn tại kênh đào Suez và Panama trong bối cảnh giá cước vận chuyển tăng tốc nhanh chóng.
Các hãng vận tải biển toàn cầu đồng loạt tăng giá cước sau cuộc khủng hoảng Biển Đỏ.
Trên thực tế, các giới hạn chuyển đổi hợp đồng vận chuyển hợp nhất thường được ký vào đầu năm và phần lớn các hợp đồng vận chuyển hàng hóa cao cấp, được phản ánh trong Chỉ số SCFI, sẽ được tính đến khi các bên ký lại hợp đồng mới.
HMM, nhà khai thác tàu container hàng đầu của Hàn Quốc, gần đây đã tăng giá cước vận chuyển cho các tuyến đường từ Ấn Độ đến khu vực phía đông Nam Mỹ thêm khoảng 1.500 USD/TEU. Giá cước chung (GRI) cho các tuyến đường đi châu Âu sẽ có kế hoạch tăng sớm nhất trong tuần này.
Công ty Vận tải Địa Trung Hải SA của Thụy Sĩ, hay còn được gọi là MSC, cũng đã tăng giá cước vận chuyển hàng hóa từ các cảng châu Á tới châu Âu lên khoảng 30-40% vào đầu năm nay.
Trong khi các công ty xuất khẩu gấp rút ký đồng với các hãng tàu, Maersk, hãng vận tải tải container lớn thứ hai thế giới, cũng đã bổ sung “phụ phí mùa cao điểm” vào giá cước vận chuyển hàng hóa kể từ đầu năm 2024 này.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh hàng loạt các hãng vận tải biển lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… tăng giá, hoặc tăng phụ phí do phải thay đổi hải trình, đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành gặp khó.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể gặp khó khi giá cước vận chuyển tăng mạnh.
Cụ thể, giá cước tàu sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây đang từ mức 1.850 USD/container vào tháng 12/2023 đã tăng lên 2.873-2.950 USD/container vào tháng 1/2024 (tăng thêm 55-60%). Trong khi các chuyến tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100-4.500 USD/container cho tháng 1/2024 (tăng thêm 58-73%).
Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12 tăng lên 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, tăng hơn gấp đôi.
Theo VASEP, nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Vasep đề nghị Cục Xuất khập khẩu, Bộ Công thương tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoặc có các giải pháp, tác động để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/12/2023, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã có Công văn về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải luôn luôn theo dõi sát diễn biến trên thế giới tác động như thế nào đến sự dịch chuyển của hàng hoá, tác động như thế nào đến hoạt động logistic đối với các lô hàng xuất khẩu của mình, qua đó có thể lên các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.