image banner
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu
Sáng 12/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 113 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 167 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động và được phân bố theo địa bàn. Trong đó, nhiều nhất là huyện Lý Nhân với 35 cửa hàng, TP Phủ Lý 34 cửa hàng, thị xã Duy Tiên 26 cửa hàng, huyện Bình Lục 25 cửa hàng, Thanh Liêm 25 cửa hàng và huyện Kim Bảng 22 cửa hàng.

Năm 2023, tổng sản lượng cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 223.057 m3( số liệu cập nhật đến hết tháng 11/2023). Trong đó, các doanh nghiệp đầu mối có chi nhánh trên địa bàn cung cấp khoảng 48,4% tổng sản lượng cung cấp xăng dầu toàn địa bàn. Năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã nộp ngân sách trên 208,1 tỷ đồng. Riêng 11 tháng năm 2023 nộp ngân sách gần 161,9 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội nghị

Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua công tác phối hợp quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu giữa các sở, ngành, địa phương được thực hiện cơ bản theo đúng quy định. Các cửa hàng xăng dầu  trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tương đối tốt các điều kiện doanh theo quy định, đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ môi trường và ATGT, nhân viên bán hàng, cán bộ quản lý các cửa hàng được trang bị đầy đủ các kiến thức về PCCC, bảo vệ môi trường theo quy định; cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối, đáp ứng đầy đủ xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và nhu cầu tiêu thụ của nhân dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, găm hàng, nghỉ bán sai quy định...

 

Tuy nhiên, quá trình quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc: việc chấp hành quy định về đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình của một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối còn hạn chế; một số DN chưa chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp mua, bán xăng dầu với thương nhân ngoài hệ thống phân phối, ngoài hợp đồng đã ký; số thu thuế bảo vệ môi trường từ các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn thấp, giảm qua các năm...

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo cung cấp ổn định nguồn xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn; đóng góp cho ngân sách và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động… Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt thời gian qua trong bối cảnh kinh tế trên thế giới, trong nước có nhiều biến động, thách thức khó lường ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực phối hợp với Sở Công Thương kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các doanh nghiệp về chấp hành các điều kiện kinh doanh xăng dầu, về PCCC, về bảo vệ môi trường, về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, về nguồn cung cấp xăng dầu; kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi hoặc không cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho các doanh nghiệp vi phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh. Quan tâm, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Sở Công thương trình bày báo cáo tại hội nghị
Đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phát biểu tại hội nghị

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và của tỉnh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Rà soát, nâng cấp, cải tạo các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu đảm bảo các quy chuẩn theo quy định, đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ môi trường và an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu. Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh phải chủ động nguồn hàng, thực hiện dự trữ xăng dầu theo đúng quy định, đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối của mình trong mọi tình huống, bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đồng thời, chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Đẩy mạnh thực hiện nghiêm các quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế. Đồng hành cùng với tỉnh Hà Nam trong việc tìm các giải pháp để chống thất thu thuế, thu đúng, thu đủ các loại thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh…

Thu Thảo

Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 155
  • Trong tuần: 918
  • Tất cả: 22187